Hội thảo lấy ý kiến triển khai xây dựng Đề án theo Nghị quyết 97/NQ-CP

           Ngày 26/7, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo lấy ý kiến triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước". Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp nhà nước đã và đang thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ.

Để tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, ngày 03/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Ngày 02/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 97/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TW. Tại Nghị quyết 97, Chính phủ đã giao TTCP chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Đề án đối với vấn đề này.

Để xây dựng Đề án, theo dự kiến của Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, Đề án có kết cấu gồm 5 phần với các nội dung chủ yếu: Bối cảnh tình hình; mục tiêu, yêu cầu của Đề án; quan điểm; nhiệm vụ, giải pháp và tổ chức thực hin.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến về một số nội dung cụ thể nhưcần thống nhất nhận thức về yêu cầu của Đề án; xác định tên gọi; căn cứ pháp lý, mục tiêu, kết cấu nội dung của Đề án. Ngoài ra, ý kiến đại biểu cho rằng, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần nêu rõ những vấn đề quan trọng mà Đề án phải tập trung giải quyết cũng như cách thức triển khai và xác định rõ hơn phạm vi của Đề án.

Kết luận tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh yêu cầu Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập cần tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của đại biểu để triển khai xây dựng Đề án. Đồng thời, cần làm rõ vai trò của các cơ quan quản lý tham gia vào việc thực thi Đề án; làm rõ nội dung, phương thức thực hiện cũng như tính khả thi trong thực tiễn khi Đề án được triển khai./.

            (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ)