Hội thảo về định hướng sửa đổi Luật Thanh tra

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần văn Minh đề nghị các đại biểu tập trung tham luận vào 04 nhóm vấn đề: Bối cảnh, tiến trình, yêu cầu và trọng tâm sửa đổi Luật Thanh trong đó nêu rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức; những thành công, hạn chế, bất cập của Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành; cơ sở xây dựng định hướng sửa đổi Luật Thanh tra và đề xuất lộ trình, các bước tiến hành và nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, các đại biểu bày tỏ nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo dự án Luật Thanh tra sửa đổi, đồng thời cho rằng, cần nghiên cứu để xử lý vấn đề sáp nhập cơ quan thanh tra vào cơ quan kiểm tra Đảng, trong đó cần nêu rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra. Đồng thời, các đại biểu cũng để xuất giải pháp xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất nhằm tránh sự phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh cho biết, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, qua việc tổng kết thi hành Luật thanh tra của các bộ ngành, địa phương cũng thấy bộc lộ nhiều hạn chế như, tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra nhà nước hiện nay dàn trải, phân tán, thiếu tính thống nhất.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo lần này rất quan trọng, thiết thực trực tiếp phục vụ cho việc xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh tra. Hiện nay, hoạt động của các cơ quan có chức năng thanh tra đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thể thể chế, chính sách, pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả có được trong hoạt động thanh tra những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ghi nhận, đã có những đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ trật tự, kỷ cương xã hội và phát triển đất nước.

Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu đẩy mạnh thực thi nguyên tắc về kiểm soát quyền lực nhà nước theo tinh thần Hiến pháp 2013; thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển phục vụ nhân dân và đặc biệt là yêu cầu rất cao của công cuộc PCTN, ngành Thanh tra cần phải được kiện toàn mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong bối cảnh lịch sử mới./.

                  (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ)