Ngày 15/4/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Tấn Cảnh cùng tham dự Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và định hướng hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung Bộ với Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giữa đất liền với các quần đảo; được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Trong 10 năm qua, đóng góp của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ vào kinh tế cả nước luôn đạt tỉ lệ cao, trong đó có sự đóng góp của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển (trung tâm chế biến dầu, khí, nhiệt điện, sản xuất thép,…). Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và 06 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Về lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước đạt 2.350.520 tỷ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm. Hình thức bán lẻ tại các tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú. Khu vực dịch vụ được tập trung phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ. Một số ngành, lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao được đẩy mạnh và từng bước hiện đại hóa như công nghệ thông tin, truyền thông, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, y tế,…
Tỉnh Ninh Thuận, có 58 lượt doanh nghiệp tham gia 07 đợt Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh hàng năm. Các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận như: Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố đầu tư 01 siêu thị; Công ty CP Thế Giới Di Động đầu tư 24 Cửa hàng Bách Hóa Xanh, 14 siêu thị Điện Máy Xanh, chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động.
Ngoài ra, 03 Chợ đầu mối của Thành phố (Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, Chợ đầu mối Bình Điền, Chợ Đầu Mối Nông Sản Thực Phẩm Hóc Môn) tiếp tục là đầu mối tiếp nhận các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh trong vùng để tiêu thụ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng như phát hàng đi các tỉnh, thành khác, góp phần điều phối lưu thông hàng hóa, không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, giới thiệu đối tác hỗ trợ doanh nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung Bộ mở rộng hệ thống phân phối, tham gia đưa hàng vào các siêu thị. Nhìn chung, các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ từng bước hình thành đồng bộ, vận hành cơ bản thông.
Về lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước tăng bình quân 10,57%/năm. Trong đó, các địa phương có tốc độ tăng trưởng khá như tỉnh Bình Thuận (tăng 19,59%/năm), tỉnh Phú Yên (tăng 8,03%/năm), tỉnh Bình Định (tăng 7,92%), tỉnh Khánh Hòa (tăng 4,8%/năm),…
Về lĩnh vực nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chuyển biến tích cực hướng vào phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,35%/năm.
Về lĩnh vực du lịch, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với vị trí nằm trên tuyến du lịch xuyên Việt, thuận lợi về du lịch. Nét đặc trưng của hệ sinh thái với các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển gắn với biển đảo và các tài nguyên du lịch sinh thái vô cùng hấp dẫn đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, sự đa dạng của các giá trị văn hóa với điển hình văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, văn hóa của cư dân vùng biển duyên hải miền trung và đặc biệt các di tích văn hóa, lịch sử cách mạng được coi là tiềm năng quan trọng để phát triển các loại hình du lịch trong khu vực.
Qua các năm triển khai, các chương trình hợp tác liên kết đã đảm bảo đúng mục đích, đã đạt được một số kết quả thiết thực trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển và kết nối sản phẩm du lịch, liên kết các dịch vụ du lịch hình thành những sản phẩm chung, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các địa phương đã hỗ trợ cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, thông tin kế hoạch tổ chức các hoạt động sự kiện, lễ hội tiêu biểu hàng năm đến các địa phương,... Các doanh nghiệp lữ hành của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động quảng bá các chương trình tham quan du lịch; đồng thời, phối hợp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng cho đội ngũ cán bộ trẻ, sinh viên,... của các tỉnh.
Về lĩnh vực y tế, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các địa phương, giảm tải cho các bệnh viện của Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho cơ sở y tế các tỉnh, ngành Y tế Thành phố đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và thực hiện các chương trình y tế Quốc gia. Chương trình hợp tác y tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ được triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau như: đề án 1816 (Đề án tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới), bệnh viện vệ tinh, đề án khám chữa bệnh từ xa, tập huấn,... cho 25 cơ sở y tế của vùng; những hoạt động hợp tác này đã mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh cho các tỉnh.
Đồng chí Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đồng chí Trần Quốc Nam – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nhất là chương trình hợp tác y tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có nghĩa to lớn trong công cuộc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân; đồng chí đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm Chương trình hợp tác y tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới phục vụ tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đồng thời, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai cụ thể hóa từng nội dung của Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ để thực hiện đạt kết quả cao nhất./.