Ngày 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng tham dự. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp trung ương; các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Tại điểm cầu cơ quan Thanh tra Chính phủ dự Hội nghị có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cùng toàn thể đảng viên Đảng bộ.
Tại Hội nghị các đại biểu được nghe Ban tổ chức công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc (Phó Trưởng Ban thường trực), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Thủ trưởng cơ quan kiểm tra Trung ương làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đã báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Các đại biểu được nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn báo cáo chuyên đề Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thời gian qua; quán triệt triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57-NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết số 03/NQ-CP, ngày 09/1/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ-TW.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vai trò của khoa học kỹ thuật và việc tận dụng công nghệ để chuyển đổi mô hình kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhận định phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng”, còn đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. Đồng thời, Tổng Bí thư chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ, Tổng Bí thư nêu thực tế các nhà khoa học mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục.
Cạnh đó, các đề tài nghiên cứu không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ hạn chế, kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển của ta chưa đến 0,7% GDP, trong khi mức trung bình các nước phát triển là 2%, có nước 5%; chưa mạnh dạn chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, không thương mại hóa được sản phẩm, nhiều trường hợp làm để tài là hình thức.
Tổng Bí Thư Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện.
Nêu nhiều định hướng quan trọng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai; đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Tổng Bí thư lưu ý Nhà nước cần tập trung 4 việc: Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.
Nhiều giải pháp quan trọng cũng được Tổng Bí thư đưa ra, trước hết ông yêu cầu là việc thống nhất nhận thức và hành động. Són song là khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ trong quý I.
Ông gợi ý Nhà nước có thể chọn thí điểm một số viện, hoặc trường để mời chuyên gia ở bên ngoài làm lãnh đạo, nhất là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, những người hiểu rõ văn hóa Việt Nam, trưởng thành ở các nước phát triển, am hiểu chuyên môn và quản lý, có sự kết nối quốc tế sâu rộng.
Quán triệt ưu tiên bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ xứng tầm là quốc sách đột phá, Tổng Bí thư đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo.
Trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Tổng Bí thư lưu ý cần ban hành cơ chế thu hút nhân tài với các chính sách hấp dẫn về quốc tịch, thu nhập, nhà ở và môi trường làm việc. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải; đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế.